Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh: Tỉnh triển khai CĐS với quan điểm và định hướng xuyên suốt là “CĐS phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là động lực của CĐS, đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số”. Tỉnh quyết liệt triển khai và đạt một số kết quả quan trọng về CĐS, trong đó, hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng số tiếp tục được phát triển; dịch vụ công (DVC) trực tuyến được triển khai ngày càng sâu rộng, có hiệu quả hơn; kinh tế số, xã hội số có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; an toàn thông tin, an ninh mạng tiếp tục được quan tâm.
Trên nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm phục vụ, tỉnh thực hiện nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin hiện có, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin liên quan nhằm tạo thuận lợi trong quá trình sử dụng. Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp DVC trực tuyến, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của người dân, doanh nghiệp; tăng cường tiếp nhận, xử lý hồ sơ TTHC trên môi trường mạng. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng DVC trực tuyến; phát huy hiệu quả của chính quyền cơ sở, các đoàn thể và toàn xã hội trong công tác hỗ trợ, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp thay đổi thói quen, hình thức thực hiện TTHC.
Đến nay, hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai sử dụng thống nhất trong tất cả các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã; 100% cán bộ, công chức sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành; 97% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử; ứng dụng một cửa điện tử tỉnh được triển khai đồng bộ đến 100% sở, ban, ngành và địa phương; tích hợp 2.650 chứng thư số chuyên dùng lên phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai kết nối 4 cấp.
Cổng DVC tỉnh được kết nối với Cổng DVC quốc gia và đang cung cấp 1.497 DVC trực tuyến toàn trình, DVC trực tuyến một phần; 72,58% DVC trực tuyến phát sinh hồ sơ; 24,14% hồ sơ được xử lý trực tuyến; cổng DVC của tỉnh kết nối với cổng DVC trực tuyến của Chính phủ và triển khai ứng dụng nền tảng thanh toán trực tuyến quốc gia (PayGov) tại tỉnh.
Tỉnh bố trí, sắp xếp cán bộ phù hợp, có đủ năng lực, trình độ để tham mưu triển khai các hoạt động phát triển CQS, CĐS và đảm bảo an toàn thông tin mạng tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nội dung, tầm quan trọng của CĐS đến các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội và toàn hệ thống chính trị. Phát huy ưu thế của công nghệ số để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, bảo đảm phù hợp với từng nhóm đối tượng, phổ biến, nhân rộng kịp thời các cơ quan, đơn vị thực hiện CĐS hiệu quả.
Anh Tạ Việt Hùng, công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC huyện Trùng Khánh cho biết: Có những ngày lượng người đến làm các TTHC rất đông, song các cán bộ tại bộ phận “một cửa” luôn nhiệt tình, chu đáo, hướng dẫn kịp thời, tiếp nhận hồ sơ của công dân. Chúng tôi tuyên truyền, hướng dẫn công dân có thể gửi hồ sơ trực tuyến ở một số thủ tục để giảm lượng người đến giao dịch trực tiếp tại bộ phận “một cửa” cùng một thời điểm.
Để triển khai hiệu quả công tác xây dựng chính quyền điện tử và CĐS trên địa bàn, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của CĐS; người đứng đầu chịu trách nhiệm, nêu gương trong CĐS của cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách; cụ thể hóa và xây dựng kế hoạch CĐS của cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách, khuyến khích đổi mới, sáng tạo; duy trì và tiếp tục khai thác hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến UBND tỉnh đạt hiệu quả; nâng cấp, thúc đẩy hiệu quả hoạt động Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh.
Đẩy mạnh việc sử dụng các ứng dụng đã triển khai có hiệu quả các hệ thống dùng chung của tỉnh; triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận sử dụng các nền công nghệ số, tham gia Chương trình CĐS. Phát huy hiệu quả của Tổ công nghệ số cộng đồng tại các khu vực, đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết và sử dụng các sản phẩm, nền tảng số do các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cung cấp; phổ cập kiến thức cho người dân trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà (onetouch.gov.vn) do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng mạng xã hội.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực về CĐS, trong đó, sắp xếp, bố trí hợp lý nguồn nhân lực về CĐS, đặc biệt là trong các cơ quan nhà nước; xây dựng chương trình đào tạo đội ngũ chuyên trách công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước thành các chuyên gia CĐS trong các ngành, địa phương; có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại tỉnh; hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để thu hút các doanh nghiệp đào tạo đầu tư vào tỉnh để từng bước nâng cao nguồn nhân lực của tỉnh về lĩnh vực CĐS nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thực chất, hiệu quả từ các hoạt động CĐS.
Nguồn tin: baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn