Lan tỏa phong trào thi đua
Nhằm thực hiện hiệu quả các nghị quyết, quyết định của Trung ương, của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành chỉ thị về phát động phong trào thi đua đẩy mạnh CCHC gắn với chuyển đổi số tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần thực hiện hiệu quả công tác CCHC, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Công nghệ thông tin được đẩy mạnh, ứng dụng rộng rãi, vận hành ổn định, đảm bảo an toàn phục vụ công tác quản lý, điều hành và giải quyết công việc; phần mềm quản lý văn bản VNPT-iOffice 4.0 kết nối liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã; các cơ quan, đơn vị, địa phương duy trì, cập nhật thông tin về hoạt động trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và Trang thông tin điện tử của đơn vị; triển khai tích hợp 2.650 chứng thư số chuyên dùng lên phần mềm quản lý văn bản; hệ thống hội nghị trực tuyến được triển khai kết nối 4 cấp.
Công tác CCHC trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh; cải cách thủ tục hành chính (TTHC) các lĩnh vực liên quan đến người dân và doanh nghiệp được quan tâm, tạo bước đột phá trong công tác CCHC. UBND tỉnh ban hành 88 quyết định công bố danh mục TTHC và 56 quyết định phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC. Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC; quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết TTHC đảm bảo đúng quy định; niêm yết, công khai các TTHC đầy đủ; thực hiện nghiêm quy trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả TTHC theo nguyên tắc “4 tại chỗ” và thực hiện TTHC dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; giảm thiểu chi phí, công sức, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, đem lại lợi ích cho người dân, tổ chức.
Hạ tầng mạng viễn thông được phát triển đến tất cả các xã, xóm, bản trên địa bàn tỉnh; các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã được kết nối Internet băng thông rộng, đáp ứng yêu cầu triển khai các ứng dụng dùng chung, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ phát triển chính quyền điện tử. Tỉnh chỉ đạo tập trung tái cấu trúc hạ tầng thông tin; phát triển các hệ thống nền tảng đáp ứng xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; hình thành kho dữ liệu dùng chung cấp tỉnh làm nền tảng cơ bản cho tiến trình chuyển đổi số.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hoàng Ngọc Sơn cho biết: Sở tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2025, tất cả nghiệp vụ tiếp nhận, xử lý hồ sơ, TTHC đều được xử lý ở dạng số trên môi trường mạng. Phần lớn các nhu cầu phục vụ lao động sản xuất, đời sống của người dân được thực hiện thông qua các nền tảng công nghệ thông tin thông minh khai thác các cơ sở dữ liệu số. Tuy nhiên, cần triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số, tổ chức tập huấn về chuyển đổi số và kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn; triển khai nhiều nền tảng số và sử dụng thống nhất trong tỉnh; xây dựng hệ thống dữ liệu số của các lĩnh vực, các đơn vị; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác chuyển đổi số đến tổ chức, cá nhân, người dân và doanh nghiệp trong toàn tỉnh.
Hiệu quả thiết thực
Thông qua các phong trào thi đua xuất hiện các tập thể, cá nhân tiêu biểu, nổi bật với các giải pháp, sáng kiến, cách làm hay, sáng tạo, phù hợp, hiệu quả như: Sở Kế hoạch và Đầu tư với sáng kiến “Ứng dụng dịch vụ Mobile Banking và dịch vụ biên lai điện tử vào hoạt động thu, nộp lệ phí giải quyết TTHC tại Sở Kế hoạch và Đầu tư”; Văn phòng UBND tỉnh với sáng kiến “Đổi mới phương pháp rà soát, đánh giá nhằm nâng cao tỷ lệ hồ sơ TTHC thực hiện toàn bộ quy trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Cao Bằng”...
UBND Thành phố là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, UBND Thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp trên và điều kiện thực tế của địa phương nhằm triển khai thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số. Đến nay, hầu hết lãnh đạo các cơ quan, đơn vị từ Thành phố đến phường, xã sử dụng thành thạo chữ ký số và các ứng dụng khai thác trên mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II, như: hệ thống quản lý văn bản điều hành, phần mềm một cửa điện tử, hệ thống truyền hình hội nghị trực tuyến...
Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ đến 100% phường, xã và 100% xóm, tổ dân phố được phủ sóng di động và Internet. Thành phố đưa vào vận hành, hoạt động Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) Thành phố với 7 phân hệ vận hành hoạt động, điển hình như: giám sát điều hành giao thông, giám sát, điều hành an ninh công cộng, phản ánh hiện trường... Số doanh nghiệp kê khai, nộp thuế điện tử đạt 98,5%; trên 95% dân số lập hồ sơ sức khỏe điện tử; tỷ lệ hộ gia đình thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 94%; 100% cơ sở giáo dục thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; thành lập các kênh thông tin tương tác 2 chiều với người dân qua mạng xã hội trực tuyến zalo, facebook…
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Hoàn, Thành phố đặt ra mục tiêu phát triển các nền tảng cơ bản xây dựng chính quyền điện tử theo kiến trúc chính quyền điện tử, tăng cường kết nối giữa các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp, nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin mạng, hướng đến chính quyền số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Phong trào thi đua được các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm chú trọng, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng về nhận thức và trách nhiệm việc thực hiện CCHC, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.
Nguồn tin: baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn