Cao Bằng có nhiều thắng cảnh hùng vĩ như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Khu du lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đén; các di tích lịch sử nổi tiếng: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950; các điểm đến hấp dẫn và nhiều loại hình du lịch độc đáo (du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng)… Để quảng bá du lịch Cao Bằng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số trong du lịch, tập trung phát triển du lịch thông minh dựa trên nền tảng số; tăng cường các hoạt động truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch.
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nguyên Bình Nông Thị Thủy cho biết: Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ hiện nay, việc tiếp cận và phát triển đa kênh truyền thông cả trực tuyến và trực tiếp đã và đang trở thành xu hướng chủ yếu để thu hút khách du lịch, vì vậy, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tận dụng tối đa nền tảng mạng xã hội facebook, zalo... để tuyên truyền kịp thời các hoạt động du lịch tại địa bàn, quảng bá, giới thiệu du lịch, văn hóa, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Huyện tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động du lịch sát với nhu cầu thực tế tại địa phương, ứng dụng chuyển đổi số, góp phần gia tăng trải nghiệm cho du khách, nâng cao sức cạnh tranh cho các dịch vụ, sản phẩm du lịch trên địa bàn.
Chị Nguyễn Vân Anh (du khách Thành phố Hà Nội) chia sẻ: Trước khi lên Cao Bằng du lịch tôi đã nghiên cứu thông tin du lịch trên các nền tảng mạng xã hội để biết được thông tin về điểm đến cũng như các dịch vụ du lịch tin cậy, uy tín tại Cao Bằng. Sự hỗ trợ của công nghệ số trong hoạt động du lịch mang đến cho tôi một hành trình khám phá du lịch Cao Bằng trọn vẹn, nhiều ấn tượng tốt đẹp.
Thực hiện Đề án Chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực triển khai các nền tảng số phục vụ du lịch, phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ duy trì và nâng cấp Cổng Du lịch thông minh (caobangtourism.vn); phát triển ứng dụng du lịch thông minh trên smartphone (app Cao Bang Tourism) với các tiện ích tra cứu bản đồ, tìm thông tin chính xác về các địa điểm, lập trình tự động theo nhu cầu, đặt dịch vụ khách sạn, nhà hàng dễ dàng, tiết kiệm thời gian, chi phí cho du khách; giúp các cá nhân, doanh nghiệp mở rộng cơ hội kinh doanh, quảng bá, tạo liên kết chuỗi, phát triển chuỗi sản phẩm dịch vụ du lịch hoàn chỉnh. Hiện nay, trên Cổng du lịch thông minh có phiên bản ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Trung thiết kế sử dụng đơn giản, dễ dàng tương tác trên máy tính và điện thoại thông minh. Cổng du lịch đưa 7 khu, điểm du lịch nổi bật của tỉnh vào thử nghiệm số hóa VR360 (du lịch ảo hóa và thuyết minh ảo). Đây là công nghệ mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm sâu, có thể di chuyển, tương tác vào không gian tạo nên sự ấn tượng, khơi dậy niềm khát khao muốn đến địa điểm du lịch mà du khách đang trong quá trình tham khảo để ra quyết định khám phá.
Cao Bằng còn sở hữu nhiều trang thông tin điện tử, fanpage phục vụ quảng bá, phát triển du lịch với nhiều lượt truy cập, tương tác; lượng tin, bài đăng quảng bá với mật độ cao, nội dung phong phú, như các trang thông tin điện tử: dulichcaobang.vn có trên 3.820.000 lượt truy cập (tổng lượt truy cập đến nay trên 9.730.000 lượt), đăng 175 tin, bài quảng bá; caobangtourism.vn có trên 980.000 lượt truy cập (tổng lượt truy cập đến nay trên 2.500.000 lượt), đăng 180 tin, bài quảng bá; trang caobanggeopark.com có trên 1.700.000 lượt truy cập, đăng 60 tin, bài quảng bá; trang Pacbo.vn có trên 200.000 lượt truy cập, đăng 80 tin, bài quảng bá. Các Fanpage: Công viên địa chất Non nước Cao Bằng có khoảng 127.000 lượt truy cập, đăng 40 tin, bài quảng bá; Ban Quản lý các di tích quốc gia đặc biệt tỉnh có khoảng 600.000 lượt truy cập, đăng 115 tin, bài quảng bá; Du lịch Non nước Cao Bằng có trên 478.000 lượt truy cập, đăng 270 tin, bài quảng bá…
Trưởng Phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nông Thị Tuyến khẳng định: Ngoài thành lập trang thông tin điện tử, fanpage phục vụ quảng bá, phát triển du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các huyện, Thành phố, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh rà soát, cung cấp thông tin hiện trạng phủ sóng mạng 4G, 5G, sóng điện thoại di động và đề xuất địa điểm lắp đặt wifi miễn phí tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn. Xây dựng hệ thống âm thanh phân tán tại các điểm di tích ngoài trời Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, giới thiệu về nguồn gốc, lịch sử cách mạng dân tộc gắn với từng địa điểm. Các doanh nghiệp viễn thông thực hành thí điểm hoàn thiện lắp đặt, thi công 36 camera giám sát và 5 điểm wifi miễn phí tại Khu du lịch thác Bản Giốc để kịp thời phục vụ Lễ vận hành thí điểm cho du khách qua lại khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc).
Ngành du lịch tăng cường ứng dụng công nghệ số trong công tác quảng bá du lịch bằng cách phối hợp thực hiện các chuyên mục: “Du lịch Non nước Cao Bằng”, “Cao Bằng Non nước ngàn năm”, “Cao Bằng tiềm năng và phát triển” trên các ấn phẩm báo chí của tỉnh; khai thác hiệu quả tin, bài tuyên truyền về Công viên địa chất Non nước Cao Bằng trên ấn phẩm báo điện tử giới thiệu về hình ảnh, du lịch Cao Bằng; mở các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, nâng cao chất lượng các tin, bài, tăng cường đăng tải những hình ảnh đẹp về con người, quê hương, non nước Cao Bằng; vận hành thử nghiệm phòng trải nghiệm, trong đó có hoạt động chiếu các phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó. Tạo mã QR cho các tài liệu quảng bá về du lịch Cao Bằng; VNPT Cao Bằng tổ chức không gian trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR giới thiệu, quảng bá về một số khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh tại các sự kiện hội nghị, tổng kết của tỉnh; lắp đặt 5 bảng tra cứu thông tin tư liệu về Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng tại các trung tâm thông tin của công viên địa chất.
Cùng với ngành văn hóa, thể thao và du lịch, các ban, ngành tích cực đẩy mạnh thực hiện số hóa nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch. Cụ thể: Tỉnh đoàn Thanh niên khánh thành công trình số hóa Di tích văn hóa lịch sử chùa Sùng Phúc, thị trấn Thanh Nhật (Hạ Lang); công trình số hóa Di tích lịch sử đồn Đồng Mu, xã Xuân Trường (Bảo Lạc). Thành đoàn Cao Bằng, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh, Đoàn Thanh niên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân, khách du lịch cài đặt ứng dụng Cao Bằng Smart, quảng bá, giới thiệu về các địa điểm du lịch tại Phố đi bộ Kim Đồng vào tối thứ Sáu, thứ Bảy hằng tuần. Các đơn vị cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đoàn viên, thanh thiếu niên và nhân dân truy cập, tìm hiểu những trang thông tin chính thống, hữu ích cho việc tuyên truyền, quảng bá Non nước Cao Bằng. Công an tỉnh triển khai mô hình điểm thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030 tỉnh Cao Bằng”, qua đó phối hợp các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đăng ký tài khoản thông báo lưu trú qua phần mềm ASM trên địa bàn tỉnh và đề nghị Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an phê duyệt 258 tài khoản trên địa bàn tỉnh…
Sự vào cuộc chủ động, tích cực của tỉnh trong thực hiện chuyển đổi số hoạt động du lịch đã, đang và sẽ góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cao Bằng trở thành điểm đến thông minh, thân thiện và an toàn, một trong những trung tâm du lịch hiện đại của khu vực phía Bắc, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững.
Nguồn tin: baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn