Cao Bằng: Từng bước đưa chuyển đổi số vào trong nông nghiệp

Thứ tư - 12/10/2022 04:48
Xác định rõ vai trò của chuyển đổi số, thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch dài hơi cho từng ngành, lĩnh vực và nông nghiệp là một trong những ngành được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số.
Cao Bằng: Từng bước đưa chuyển đổi số vào trong nông nghiệp

Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác; tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Xác định rõ vai trò của chuyển đổi số, thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch dài hơi cho từng ngành, lĩnh vực và nông nghiệp là một trong những ngành được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số.

Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân làm nông nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ quản lý chất lượng và các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua các chương trình, đề án hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp, đề án nông nghiệp thông minh, OCOP, phát triển thương mại điện tử… để dần từng bước đưa chuyển đổi số vào trong nông nghiệp.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, bên cạnh phát triển thị trường theo hình thức bán hàng trực tiếp truyền thống, tỉnh Cao Bằng cũng nhận thấy đây là cơ hội để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP trên môi trường thương mại điện tử, nền tảng công nghệ theo xu thế hiện nay. Các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường thương mại điện tử, nền tảng công nghệ đã được tỉnh triển khai trên trang web agrolink là hệ thống kết nối liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa 4 nhà: Nhà nước, Nhà Nông, nhà khoa học và doanh nghiệp. Thông qua nắm bắt các thông tin về sản phẩm nông sản của địa phương như sản lượng, giá cả, địa chỉ sản phẩm, quy trình sản xuất sản phẩm, các dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp đang và sắp triển khai trên địa bàn tỉnh được đưa lên trang web, các doanh nghiệp và người dân có thể chủ động kết nối và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Xây dựng mã số vùng trồng của cây thạch đen tại huyện Thạch An để đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, phục vụ cho việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc. Xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hoá nông sản Cao Bằng thông qua ứng dụng web, di động. Đến nay đã có 221 sản phẩm nông sản được gắn truy suất nguồn gốc trên hệ thống của Sở. Hệ thống đã góp phần vào minh bạch hóa thông tin sản xuất sản phẩm nông sản, tạo sự tin tưởng của khách hàng, tăng khả năng cạnh tranh giữa các sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó còn có sự vào cuộc của các sở ngành: Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Bưu điện tỉnh, UBND các huyện, thành phố, trong hỗ trợ đưa hình ảnh, thông tin 100 sản phẩm nông sản của địa phương lên môi trường thương mại điện tử, nền tảng kinh tế số như: postmart.vn, caobangtrade.vn...

Để bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại, những năm gần đây, nhiều nông dân thời 4.0 của tỉnh Cao Bằng đã mạnh dạn thay đổi nhận thức, chủ động tìm tòi, nâng cao kiến thức, tiếp thu tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để tiếp cận với nền nông nghiệp thông minh gắn liền với chuyển đổi số. Điển hình về các mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp tại tỉnh Cao Bằng phải kể đến mô hình canh tác nông nghiệp hiện đại với các loại cây trồng chủ lực gồm dâu tây, rau mùa hè, hoa hồng, trên tổng diện tích 4 ha của Hợp tác xã Trường Anh tại xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng.

Chị Đoàn Thu Trà – Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Từ năm 2017, Hợp tác xã Trường Anh đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để trang bị hệ thống máy móc, thiết bị chăm sóc cây trong nhà lưới với đồng hồ cảm biến nhiệt độ, hệ thống phun sương tự động, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, hệ thống tưới châm phân với bồn chứa riêng biệt giúp cây trồng tiếp nhận dinh dưỡng đồng đều, sinh trưởng và phát triển tốt hơn gấp nhiều lần cách làm nông nghiệp truyền thống. Hợp tác xã chú trọng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phân bón cho dâu tây và hoa hồng được sử dụng phân hữu cơ sinh học; phân tự ủ lên men từ trứng, sữa, đậu nành, chuối giúp tăng hương vị thơm ngọt cho trái. Sản phẩm của Hợp tác xã được chứng nhận VietGAP, chứng nhận OCOP 3 sao và được thị trường rất ưa chuộng. Theo phân tích của chị, làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tuy số vốn ban đầu bỏ ra lớn nhưng về lâu dài sẽ tiết kiệm khoản lớn chi phí nhân công, chủ động về chất lượng sản phẩm, đặc biệt với hệ thống tưới nhỏ giọt, cây trồng được “ăn” một lượng nước và phân bón vừa đủ, không gây lãng phí và dù người nông dân không có mặt trực tiếp tại khu vực sản xuất thì việc chăm sóc cây trồng vẫn được thực hiện tốt nhờ hệ thống giám sát được cài đặt trên điện thoại.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học trong lĩnh vực này còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, sử dụng, vận hành thiết bị, nhất là thiết bị tự động, số hóa, thiết bị phân tích còn thiếu. Trong khi đó, nhiều người dân và cả doanh nghiệp đang thiếu vốn, thiếu thông tin để ứng dụng số hóa; cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp.

Để tiếp tục tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thương mại điện tử để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, trong giai đoạn tới đây, tỉnh Cao Bằng xác định một số mục tiêu sau:

- Xác định xúc tiến thương mại là bước then chốt của chuỗi giá trị hàng hoá. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan trong đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP trên nền tảng thương mại điện tử, công nghệ số nhằm tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với trạng thái “bình thường mới” hiện nay. Từng bước hình thành mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh dịch vụ kết hợp với các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững.

- Tiếp tục thúc đẩy việc cấp chứng nhận mã số vùng trồng cho các loại hoa quả, nông sản của tỉnh để làm tiền đề cho việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời hỗ trợ các sản phẩm của tỉnh trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, dán nhãn sản phẩm, đảm bảo sản phẩm nông sản của tỉnh đạt chất lượng tốt, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo; tạo vị thế cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Tỉnh Cao Bằng đã đưa ra một số giải pháp để thực hiện tốt các mục tiêu trên như:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thúc đẩy tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP của địa phương. Chỉ có thay đổi được nhận thức, hành vi của các chủ thể sản xuất thì mới có thể thúc đẩy tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP thông qua thương mại điện tử có hiệu quả.

- Tổ chức các lớp đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực dành cho cán bộ quản lý nông nghiệp để nâng cao hiệu quả của việc định hướng người dân sản xuất nông sản theo nhu cầu của thị trường và việc hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, giới thiệu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

- Thực hiện mở rộng thị trường song song với nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm nhằm đáp ứng được nhu cầu cung ứng cho thị trường ngoài tỉnh và hướng tới xuất khẩu.

- Đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo việc tiếp cận với thông tin đại chúng cũng như khả năng tiếp cận thị trường thông qua ứng dụng công nghệ thông tin được thực hiện đồng bộ trên toàn tỉnh.

Có thể nói chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là yếu tố then chốt giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận; khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp.

Nguồn tin: khuyennongvn.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT







THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay978
  • Tháng hiện tại27,844
  • Tổng lượt truy cập857,459
Logo
© 2022  CHUYÊN TRANG CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH CAO BẰNG All rights reserved
Địa chỉ: Số 001 Hoàng Như, phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3859818  -  Email: sotttt@caobang.gov.vn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây