Cao Bằng vượt khó để chuyển đổi số

Thứ năm - 28/12/2023 23:33
Dù còn rất nhiều hạn chế, khó khăn, song hoạt động chuyển đổi số đã được triển khai trong mọi ngành, lĩnh vực tại tỉnh miền núi Cao Bằng, với sự tham mưu hiệu quả của Sở Thông tin và Truyền thông.
Ông Hoàng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cao Bằng. Ảnh: B.M
Ông Hoàng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cao Bằng. Ảnh: B.M

Phóng viên Báo VietNamNet đã có cuộc trò chuyện khá cởi mở với ông Hoàng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cao Bằng, để tìm hiểu rõ hơn về “bức tranh” chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng.

Chuyển đổi số là việc của tất cả các sở, ngành, địa phương

Sở Thông tin và Truyền thông được ví như “cánh tay nối dài” của Bộ Thông tin và Truyền thông, giữ vai trò “nhạc trưởng” điều hành chuyển đổi số ở địa phương. Tại Cao Bằng, Sở Thông tin và Truyền thông đã phát huy vai trò này như thế nào, thưa ông?

Giám đốc Hoàng Ngọc Sơn: Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực thực hiện tất cả những chỉ đạo, hướng dẫn từ Bộ Thông tin và Truyền thông khi triển khai các chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số. Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) cũng là một nội dung phục vụ chuyển đổi số.

Trên cơ sở tham khảo ý kiến của các sở, ngành, địa phương và đơn vị triển khai Đề án 06, Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị tham mưu chính khi xây dựng các kế hoạch của tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông cũng là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số cấp tỉnh.

Ông đánh giá thế nào về sự phối hợp của các sở, ngành khác trong việc triển khai các hoạt động chuyển đổi số?

Chuyển đổi số không phải là việc của riêng Sở Thông tin và Truyền thông mà là việc của tất cả các sở, ngành, địa phương, sự thành công hay thất bại là do người đứng đầu từng địa phương, đơn vị. Việc tham mưu thì Sở Thông tin và Truyền thông đã làm rồi. Khi triển khai đòi hỏi các ngành phải phối hợp với nhau. 

Trong thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chương trình chuyển đổi số cho các ngành, lĩnh vực. Ví dụ trong nông nghiệp có chuyển đổi số nông nghiệp, chuyển đổi số xây dựng nông thôn mới… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để bảo đảm triển khai đồng bộ, phát huy được nguồn lực, không bị lãng phí.

Có thể nói, những năm qua, sự phối hợp giữa các ngành tương đối đồng bộ. Nhưng vẫn còn một số vướng mắc, chủ yếu do cơ chế về tài chính, kế hoạch, định mức, hướng dẫn thẩm định… Việc phối hợp giữa các sở, ngành trong hoạt động chuyển đổi số cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới. 

Sự phối hợp giữa các sở, ngành trong hoạt động chuyển đổi số tương đối đồng bộ. Ảnh: B.M


Nỗ lực vượt khó của tỉnh miền núi

Với đặc thù tỉnh Cao Bằng có tới 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, việc tuyên truyền cho bà con về chuyển đổi số gặp khó khăn thế nào và tỉnh đã khắc phục ra sao?

Chúng tôi xác định tuyên truyền là nội dung rất quan trọng, vì thế đã triển khai khá nhiều hình thức tuyên truyền. Hệ thống phát thanh – truyền hình tăng cường kênh tiếng dân tộc để đáp ứng nhu cầu thông tin của bà con. Ngoài hệ thống báo, đài của tỉnh, chúng tôi còn chỉ đạo phát triển nội dung tuyên truyền trên fanpage mạng xã hội của các đơn vị sở, ngành, hiệp hội…

Cùng với đó, chúng tôi đã phát huy vai trò của các tổ chức như Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, và phối hợp với các doanh nghiệp để tổ chức tuyên truyền, làm sao đưa chuyển đổi số đến được với đông đảo người dân, kể cả ở ở vùng sâu, vùng xa.

Chúng tôi cũng đã thông qua hệ thống các tổ công nghệ số cộng đồng để tuyên truyền, hướng dẫn người dân về chuyển đổi số.

Được biết mới đây, các tổ công nghệ số cộng đồng đã kết hợp với lực lượng triển khai Đề án 06 để chuyển thành tổ chuyển đổi số cộng đồng. Vì sao lại có sự kết hợp này?

Trước đây, triển khai Đề án 06, ở cấp xã có tổ công tác thực hiện đề án 06. Triển khai chuyển đổi số thì ở cấp xã cũng có tổ công nghệ số cộng đồng. Trước nữa, ở cấp tỉnh/huyện/xã đều có ban chỉ đạo chuyển đổi số. 

Ở cấp xã, nhất là các tỉnh miền núi, trình độ, hiểu biết về chuyển đổi số nói chung còn hạn chế. Các tổ đều lấy lực lượng nòng cốt là Đoàn viên thanh niên, cán bộ nhân viên doanh nghiệp, công an xã chính quy, vì họ có khả năng hiểu về kỹ thuật, công nghệ.

Qua rà soát, chúng tôi thấy có một số chức năng, nhiệm vụ trùng nhau, thành phần của các tổ này cũng trùng nhau. 

Chúng tôi đã trao đổi với Công an tỉnh – cơ quan thường trực của Đề án 06, tham khảo thêm ý kiến của cấp cơ sở từ cấp huyện tới cấp xã, và đã đề xuất với tỉnh hợp nhất ở các xã các bộ phận này thành một. Đấy là sáng kiến của Sở Thông tin và Truyền thông. 

Đến nay đã hoàn thành hợp nhất 1.462 tổ chuyển đổi số cộng đồng với 6.686 thành viên. Năm 2024, chúng tôi sẽ tập trung đào tạo, tập huấn cho tổ chuyển đổi số cộng đồng để thực hiện tốt những nội dung chuyển đổi số của tỉnh.

Một trong những khó khăn lớn khi chuyển đổi số tại vùng sâu, vùng xa là khó phủ sóng điện thoại di động. Tỉnh Cao Bằng có giải pháp nào để khắc phục khó khăn này?

Tới nay, cơ bản các xã vùng sâu, vùng xa đều đã phủ sóng điện thoại di động, có 3G, 4G. Tuy nhiên, do địa hình miền núi phức tạp, khe suối, khe sông rất nhiều, cho nên vẫn còn nhiều vùng chưa phủ sóng. Theo thống kê của chúng tôi, hiện còn 169 điểm là các thôn, xóm, điểm dân cư chưa được phủ sóng. 

Trong năm vừa rồi, chúng tôi đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông để tối ưu hóa các vùng phủ sóng, nâng công suất phát ở một số điểm. Tuy nhiên, với 169 điểm này thì việc phủ sóng đòi hỏi nguồn lực rất lớn. 

Tỉnh Cao Bằng còn khó khăn về ngân sách, cho nên, việc tăng thêm trạm phát sóng cần sự hỗ trợ của Trung ương.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ. Cục Viễn thông đã cử cán bộ lên khảo sát, chúng tôi đã phối hợp khảo sát lại và có tờ trình lên Bộ về việc sử dụng Quỹ viễn thông công ích để hỗ trợ sóng 169 điểm “lõm sóng”, “trắng sóng”. Đây cũng là điều mà đồng bào các dân tộc rất mong mỏi.

Sau khi phủ sóng 169 điểm nêu trên, chúng tôi sẽ có khảo sát theo trong giai đoạn tiếp theo để đảm bảo 100% đồng bào các dân tộc ở tỉnh được tiếp cận sóng di động và Internet.

Một số điểm nhấn chính trong chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực tại tỉnh Cao Bằng thời gian tới

- Lĩnh vực kinh tế cửa khẩu: Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đang xây dựng Kế hoạch triển khai Nền tảng cửa khẩu số tại một số cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

- Lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Triển khai mới Phần mềm cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và quản lý hồ sơ giáo dục. 

- Lĩnh vực nội vụ: Triển khai tập huấn lập hồ sơ điện tử trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT iOffice 4.0 tại các sở, ban ngành và ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Tạo lập cơ sở dữ liệu, số hóa tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ lịch sử giai đoạn 2022-2025; Xây dựng, đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; và Hệ thống chấm điểm cải cách hành chính. 

- Lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch: Triển khai, đưa vào sử dụng Cổng thông tin điện tử du lịch thông minh tỉnh; Hệ thống số hóa dữ liệu du lịch, thực tế ảo, du lịch trải nghiệm 3D; Số hóa di sản văn hóa tỉnh Cao Bằng.

- Lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Triển khai Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Cao Bằng.

- Lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội: Triển khai Hệ thống Phần mềm an sinh xã hội; xây dựng sàn giao dịch việc làm kết nối cung - cầu lao động.

- Lĩnh vực khoa học và công nghệ: Xây dựng Hệ thống truy xuất nguồn gốc, Cổng Thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

- Lĩnh vực y tế: triển khai Nền tảng trạm y tế xã, Nền tảng khám chữa bệnh từ xa (Telehealth).

Nguồn tin: vietnamnet.vn/cao-bang-vuot-kho-de-chuyen-doi-so-2231996.html

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT







THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập18
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm17
  • Hôm nay970
  • Tháng hiện tại27,836
  • Tổng lượt truy cập857,451
Logo
© 2022  CHUYÊN TRANG CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH CAO BẰNG All rights reserved
Địa chỉ: Số 001 Hoàng Như, phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3859818  -  Email: sotttt@caobang.gov.vn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây